Hôm nay có vài người nói chuyện với mình, phàn nàn rằng MV Despacito chẳng có gì ngoài “mông, ngực và vài cảnh nhảy múa rẻ tiền”. Hmm, có thể quan điểm của mỗi người khau nhau, nhưng mình chỉ thấy: “Bạn đang nói cái MV với hơn 7 tỉ lượt xem là rẻ tiền ư? Rẻ ở tiền đầu tư, rẻ ở tiền quảng bá hay là rẻ ở giá trị nghệ thuật?"
Rõ ràng mình cảm thấy chúng ta có một chút vấn đề về sự duy mỹ trong những music video (tức video ca nhạc, sản phẩm âm nhạc của nghệ sỹ). Vậy thì sự duy mỹ là gì và tại sao chúng ta lại cần duy mỹ nhỉ?
Đầu tiên, hãy nói về định nghĩa của sự duy mỹ. Trong từ điển, duy mỹ được nhắc đến như một chủ nghĩa, gọi là chủ nghĩa duy mỹ. Và tương tự như tiếng Anh, tính từ của nó là “thuộc về duy mỹ, thuộc về chủ nghĩa duy mỹ”. Tức là về cơ bản, duy mỹ được nhắc đến như một số các thuật ngữ khác, như chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa ấn tượng,... hay nói dễ hiểu hơn, là người theo chủ nghĩa lãng mạn đâu phải suốt ngày mơ mộng, xa rời hiện thực và ảo tưởng đúng không? Một người được xem là theo chủ nghĩa lãng mạn, hoặc chủ nghĩa ấn tượng, khi các tác phẩm nghệ thuật của họ đi theo trường phái lãng mạn và ấn tượng. Còn với chủ nghĩa duy mỹ, mình không muốn vĩ mô hóa một cụm từ mà rất nhiều người sử dụng, mình chỉ muốn nói nó như một cụm từ hội thoại mà chúng ta vẫn thường hay nói: “Tại sao lại có điều này, ở đây? -Để cho đẹp!”. Đúng, duy mỹ chính là sự tôn sùng cái đẹp và tách hoàn toàn giá trị của “đẹp” ra khỏi các chuẩn mực xã hội.
Vậy thì khi cái đẹp với mỗi người là khác nhau, tại sao chúng ta lại phải duy mỹ trong các MV hay sản phẩm âm nhạc nhỉ?
Nói về câu chuyện trong MV. Đương nhiên chúng ta sẽ đánh giá cao hơn những MV có câu chuyện, có nhiều sự ẩn dụ, có nhiều tầng nghĩa, khiến người xem suy ngẫm, đúng không nào?
Nhưng chúng ta đánh giá về cái gì? Về giá trị nghệ thuật, về bài hát, hay về điều gì? Điều đó có nghĩa rằng các MV đơn giản với “mông, ngực, và vài cảnh nhảy múa” như Despacito được chúng ta thẳng thừng dành cho một lời “rẻ tiền” hay không?
Trong quan điểm của mình, là không. Bởi:
1. Thứ nhất, MV là sản phẩm âm nhạc (music video) không phải là tác phẩm điện ảnh hay không phải là tiếng nói của thời đại. Đương nhiên vẫn sẽ có các MV với nhiệm vụ lan truyền tiếng nói, lan truyền cảm hứng, nhưng không phải tất cả. Trong một MV, chúng ta đã có âm nhạc -một trong 7 loại hình nghệ thuật của nhân loại và chỉ với 7 note nhạc, nó đã có riêng câu chuyện của mình và truyền tải đến người nghe các giá trị cần thiết. Sự kết hợp với hình ảnh là sự thống nhất về nội dung mà ekip và người nghệ sĩ làm ra với mục đích thương mại, hoặc nghệ thuật, hoặc cả 2. Nghệ thuật hóa các sản phẩm thương mại giải trí và phán xét nó là điều không nên. Và chúng ta có chắc rằng việc nhồi nhét quá nhiều câu chuyện, quá nhiều thông điệp ẩn dụ hay quá nhiều ẩn ý thông qua âm nhạc, các tiểu cảnh hay thậm chí là những điều rất nhỏ nhặt, công chúng sẽ tiếp cận được? Và liệu chúng ta có đủ khả năng để lồng ghép các ẩn ý qua các video, đảm bảo câu chuyện đó song song với câu chuyện của âm nhạc, một cách thật thống nhất hay không? Không phải nghệ sĩ nào cũng là Taylor Swift, không phải nghệ sĩ nào cũng sở hữu hơn 42 triệu người đăng kí trên Youtube và sẵn sàng phân tích, mổ xẻ ẩn ý qua các video của bạn. Nếu không hiểu, rất có thể, họ sẽ bỏ qua.
2. Thứ hai, giống như văn học, một trong những đặc tính của MV là tính hợp thời, tính đương thời. Bạn có thể làm ra nhiều MV theo kiểu vintage, hoặc chiến tranh, hoặc gì đó, nhưng chúng chỉ là những hạt cát giữa sa mạc khi ở thời đại hiện nay, pop đang thống trị thế giới. Chúng ta có các “Main pop girl” được nhắc đến như những người đang vận hành nền âm nhạc thế giới, chúng ta có các video nhạc pop được đón nhận một cách kinh khủng, vượt xa sức tưởng tượng. Nếu đem cái thang đo nghệ thuật cho các video pop này, chắc chẳng được bao nhiêu vượt qua vòng loại về “giá trị nghệ thuật” khi hầu hết chúng là các video thương mại, giải trí đơn thuần. Có chăng, lại là cô ca sĩ Taylor Swift, và chẳng ai lại đem đỉnh của một tam giác ra để so sánh đúng không nào?
3. Thứ ba, là sự duy mỹ. Sự duy mỹ với mỗi người là khác nhau, nhưng mình để cập tới một sự duy mỹ chung hơn, và lí do tại sao các MV mà như mọi người nói “chẳng có gì ngoài mông với ngực” lại vẫn thành công vang dội, đó là sự duy mỹ phù hợp với đám đông. Vào một ngày hè nắng nóng, chúng ta có muốn nghe I will always love you da diết, hay chúng ta có muốn nghe Someone like you với trái tim thổn thức không? Hay trong những hoạt động tập thể, có mấy ai sẽ ngồi thưởng thức I’ll never love again để cùng cảm nhận nỗi đau trong lồng ngực? Và chúng ta yêu cầu gì, từ một bản pop thuần túy giải trí với biển, với văn hóa châu Phi và với sự khoáng đạt của Despacito? Bằng cách này hay cách khác, ta không thể phủ nhận “mông, ngực và những điệu nhảy” trông thật rẻ tiền kia lại chau chuốt ngược lại cho 7 note nhạc và khiến Despacito trở thành bài hit phá đảo cả mùa hè của thế giới. Ẩn dụ thế nào đây khi ngay chính lời bài hát đã mang đậm tính (tạm gọi) là “thoáng” của phương Tây và mình sẽ gọi đó là một sự duy mỹ của tình dục trong nghệ thuật. Và ngay cả những bản tình ca vào mùa hè, ta cũng cảm thấy âm hưởng khác biệt hoàn toàn, không tin thì bạn thử nghe Your Man, hay Love me like you do và Turning Table hay Hello xem sao?
4. Thứ tư, các giá trị về sự duy mỹ lại khác với mỗi nền âm nhạc khác nhau. Hẳn chúng ta đã quá quen với những cuộc khẩu chiến không hồi kết trên mạng, khi fan âm nhạc USUK chì chiết các MV Kpop với các MV “đóng hộp, chẳng có gì ngoài các điệu nhảy trong một cái hộp có âm thanh và ánh sáng”. Còn fan Kpop lại đào bới, chỉ trỏ USUK toàn những MV khó hiểu, thậm chí ít ai chạm đến được cái mốc thành công về lượt xem của Black Pink hay BTS. Một điều rõ ràng, hai nền âm nhạc là quá khác nhau, các MV thể hiện sự duy mỹ của nghệ sĩ là khác nhau, thậm chí nó còn phụ thuộc vào các công ti giải trí, các công ti thương mại, các chiến lược mà họ vạch ra. Một lần nữa nhắc lại, không phải ai cũng là Taylor Swift để gây sức ép ngược lên Sony, để tự quyết định các sản phẩm của mình.
Khép lại, có lẽ chúng ta nên dành một góc nhìn phù hợp với các sản phẩm phù hợp và với tiêu chí phù hợp. Bởi lẽ, một đôi giày, dù giá trị tới đâu, cũng sẽ trở thành vô nghĩa nếu đi không vừa, đúng không? Nhưng cũng sẽ thật kệch cỡm khi nói rằng, có đôi giày nào đó là rẻ tiền, chỉ vì chúng không được trưng trong Gucci, hay Louis Vuitton cả.
Comments