top of page
Writer's pictureBirdy

Phân tích phim: "Nước về Bắc Hưng Hải"

“Tổ quốc trong tôi là…” - Đây là đề văn mà một cậu học sinh lớp 12 hỏi tôi.

“Tổ quốc trong tôi là? Đây là đề bài sao? Kì cục vậy” - Tôi thở dài, đặt bút xuống. “Học hành càng ngày càng mệt mỏi.” Tôi bước ra khỏi bàn học, nhắn tin cho nó: “Tao chẳng làm được đâu, phân tích phim của tao còn chất đống chưa làm xong này.” Nói rồi tôi tắt điện thoại, bước xuống nhà. Hà Nội thì ô nhiễm, nhưng trong nhà ngột ngạt quá.

Đó là một buổi chiều muộn cuối thu với gió heo hắt và dòng người đi lại tấp nập, Hà Nội với cái cách riêng của nó, luôn khiến người ta hoài niệm khi chơi vơi giữa đường phố xoay vòng theo một chiều dữ dội nào đó. Mùi cơm từ những quán ăn ven đường xộc vào mũi tôi những mùi hương gia đình, và tôi chợt nhớ ra mình chưa gọi về cho mẹ. Có một chút gì đó dâng lên trong lòng, nhưng bỗng chốc trong tôi lại đặt ra câu hỏi: “Vậy tổ quốc trong tôi là gì?” Ngồi lặng vài phút, tôi vẽ ra rất nhiều câu chữ như cách mà tôi vẫn thường nghĩ. Thì ra Tổ quốc đôi khi là thứ gì đó rất gần gũi thôi, Tổ quốc là mâm cơm gia đình, là đĩa cà muối, canh cua, là bát bún chả, tô phở ngon, Tổ quốc là cô bán hoa tươi cười ngày chợ tết, là mâm ngũ quả, cái bánh chưng, Tổ quốc là thầy giáo, là học sinh ngày ngày lên lớp, là mái trường, là hàng cây, ghế đá, là cha ông ta, tổ tiên ta hàng ngàn năm gây dựng, là trời, là biển, là cánh chim, là ngọn cỏ, là cả non sông gấm vóc Việt Nam, là tình yêu thiêng liêng, là cội nguồn dân tộc. “Đủ chưa nhỉ”- Tôi tự hỏi. Điện thoại reng lên một tiếng. Tiếng báo deadline phân tích phim. Tôi lại thở dài, nhưng khoan đã. Tất cả những non sông gấm vóc, những hòa bình ấm êm, những buổi chiều mà tôi được ngồi đây, nghĩ vẩn vơ giữa phố phường đông đúc này là từ đâu mà có? Phải rồi, Tổ quốc là anh linh các chiến sĩ đã ngã xuống để toàn vẹn lãnh thổ dân tộc, là lớp lớp các thế hệ đi trước đã cùng nhau thi đua, cùng nhau hi sinh để kiến thiết đất nước này ngày càng giàu đẹp. Và trùng hợp làm sao, bộ phim “Nước về Bắc Hưng Hải” lại là nguồn tư liệu quý giá để tôi sống lại một thời kì lịch sử oai linh của dân tộc, một thời và ở đó con người hòa vào Tổ quốc, Tổ quốc ôm trọn lấy từng đồng bào chiến sĩ của ta, để rồi tất cả cùng quên mình hi sinh cho một đất nước giàu đẹp hơn, nơi lịch sử và điện ảnh hòa cùng nhau, để lại cho đời những thước phim quý giá về một quá khứ hào hùng của dân tộc, nơi đạo diễn Bùi Đình Hạc cùng đoàn làm phim hòa mình vào khí thế sôi nổi của không khí xây dựng đại công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, cùng hòa nhịp xây dựng chủ nghãi xã hội của toàn Đảng, toàn dân, toàn quốc.

  • Phim: Nước về Bắc Hưng Hải

  • Đạo diễn: Bùi Đình Hạc

  • Quay phim: Nghệ sĩ Hồng Sến, Ngọc Quỳnh, Vũ Sơn

  • Âm nhạc: Đình phúc

  1. Tóm tắt phim

Nước về Bắc Hưng Hải là một bộ phim tài liệu sản xuất năm 1959 của đạo diễn Bùi Đình Hạc. Phim kể về quá trình xây dựng đại công trinh thủy lợi Bắc Hưng Hải khi đó - hệ thống kênh, đập, đê điều phục vụ tưới tiêu, thoát úng cho vùng tứ giác nước giới hạn bởi sông Hồng, sông Đuống, sông Thái Bình và sông Luộc. Sau khi nhìn thấy những vấn đề cấp thiết về nước phục vụ đời sống của người dân 3 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, ngày 1/10/1958, thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Hà Kế Tấn- chỉ huy trưởng nông trường đã cuốc nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Trong quá trình xây dựng, Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm sát sao tiến độ của công trình, Bác Hồ đã xuống thăm công trường Bắc Hưng Hải 4 lần để dặn dò, động viên anh em, đồng bào và chiến sĩ. Nhân dân không ngại khó, không sợ khổ, đồng tâm nhất trí dưới sự lãnh đạo của Đảng mà hi sinh sức người, sức của để hòa mình vào mặt trận Bắc Hưng Hải. Nhờ đoàn kết trên dưới một lòng, lại được sự trợ giúp về máy mắt và chuyên gia của Trung Quốc, công trình Bắc Hưng Hải đã hoàn thành ngay trong năm 1959 với rất nhiều kỉ lục về năng suất được phá, trở thành công trình thủy lợi lớn nhất Bắc Bộ lúc bấy giờ, giải quyết được vấn đề tưới tiêu, thoát úng cho nhân dân 3 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, mở ra một thời kì mới với nhiều hứa hẹn ấm no, hạnh phúc và cũng là minh chứng cho sức lao động, chiến đấu bền bỉ, dường như không có giới hạn của đồng bào ta.

2. Phân tích phim

Nước về Bắc Hưng Hải là bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên nhận giải tại một giải thưởng quốc tế - Huy chương vàng lại liên hoan phim Matxcova 1959 và giả Bông sen vàng tại liên hoan phim VIệt Nam 1973. Khi biết thông tin này, tôi cực kì thắc mắc. Ngay trước đó tôi đã có chút không thích dòng phim tài liệu vì sự khô khan của nó, tôi sẽ chọn đọc một cuốn sách lịch sử thay vì xem một cuốn phim tài liệu, vì thực sự hầu hết chúng rất nhàm chán và khô khan. Nhưng không ngờ rằng, một bộ phim tài liệu đen trắng sản xuất năm 1959, thậm chí âm thanh cũng không được trong, hiện đại như phim ảnh ngày nay, đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ ấy của tôi. Ngay vào đầu phim, tôi đã lập tức ấn tượng với giọng đọc lời bình. Hoàn toàn không có sự vô cảm như một vài bộ phim tài liệ ngày nay, không phải là một giọng đọc ngang từ đầu đến cuối phim, không phải một giọng đọc vô cảm khiến người xem buồn ngủ trong các bộ phim tài liệu tôi từng xem, nước về Bắc Hưng Hải có một cái gì đó rất khác, khác hoàn toàn và ngay từ những giây đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút bởi giọng đọc rất dễ nghe lại đầy cảm xúc này.


Một cảnh quay trong phim


Bộ phim mở ra một không khí khô cằn, oi nóng trên thửa ruộng nứt nẻ cùng sự mong mỏi da diết của người dân ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. “Mưa 3 ngày đã úng, nắng 3 ngày đã hạn”, “Lòng người xoáy cuộn theo dòng nước, rạn nứt với những cánh đồng, đau đớn cùng cây lúa héo khô” - Thực trạng đáng báo động của sự thiết hụt nước tại vùng tam giác Bắc Hưng Hải được lột tả một cách chân thực, không giấu giếm, không hạn chế. Cũng như cách mà giọng đọc đầy cảm xúc đã len lỏi vào tâm trí người xem, đạo diễn Bùi Đình Hạc đã không sử dụng những lời bình đơn thuần cung cấp thông tin tới khán giả mà ông lồng cái tính của mình vào trong từng câu chữ, từng lời từng lời vang lên quyện vào những thước phim đen trắng về một cuộc sống ngột ngạt, đầy khó khăn vất vả của người dân hiện ra trước mắt chúng ta. “Nước- Nước- Nước”, chữ Nước lặp lại ba lần như cách đạo diễn đặt ra vấn đề trước mắt cần ngay lập tức giải quyết cho tình hình nơi đây; xây dựng đại công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tiếng nhạc rộn ràng vang lên thay cho tiếng đàn bầu u uất trầm buồn, chúng ta bắt đầu được sống lại, hòa mình theo nhịp sống hào hùng của một thời kì hoa lửa trong lịch sử dân tộc. Đó là khi Bác Hồ đến thăm công trường, là những tâm tình gửi từ Việt Bắc theo hàng ngàn cây gỗ, là con người vượt lên ngự trị thiên nhiên, là tiếng nổ phá núi của hạnh phúc, kiến thiết hòa bình, là toàn dân đồng lòng từ nhà máy tới nông thôn, là những thuyền, những biển cùng nhau hướng một lòng về Bắc Hưng Hải. Trong ta sục sôi như mới ngày hôm qua một tinh thần dân tộc, trong ta bỗng chốc thắp lên ngọn lửa yêu nước nồng nàn cháy bỏng, và chúng ta cũng hào hứng hòa mình vào tứng thước phim, từng con người đang làm nên lịch sử. Cùng với âm thanh thật sự truyền tải, những thước phim của đạo diễn Bùi Đình Hạc nhanh chóng đẩy cảm xúc của người xem tới đỉnh điểm, để sục sôi trong lòng niềm tự hào dân tộc không nguôi.

Với một bộ phim tài liệu như Nước về Bắc Hưng Hải, ban đầu tôi có hơi e dè một chút, vì để thực sự cảm nhận và hiểu bộ phim này, tôi cần nắm rõ tình hình xã hội và lịch sử nước ta giai đoạn 1954-1975 đồng thời có kiến thức về lịch sử điện ảnh Việt Nam, lịch sử điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Nhưng may sao, những tư liệu quý giá mà nước về Bắc Hưng Hải cung cấp không khiến tôi bị ngợp bởi những kiến thức lịch sử khô khan này, hơn nữa bộ phim lại cho chúng ta biết thật nhiều về tình hình xã hội và những dấn ấn đáng ghi nhớ trong lịch sử dân tộc.


Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải


Sau hiệp định Gionever, nước ta bị chia cắt làm 2 miền. Miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục đi lên xây dựng chủ nghĩa Xã hội, miền Nam cùng với sự chi viện của miền Bắc chống lại sự xâm hấn của Đế quốc Mỹ. Lãnh đạo nhân dân ta kiến thiết đất nước ở miền Bắc, chúng ta đều biết vẫn có những sai lầm trong chính trị thời kì này, đó là vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo tư bản tư doanh và cải cách ruộng đất. Tuy nhiên, nhân dân ta vẫn giữ một niềm tin sắc song, một lòng yêu nước chảy bỏng và tuyệt đối tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều này được thể hiện rất rõ qua sự lột tả của đạo diễn Bùi Đình Hạc, tin thần sắc son, trên dưới một lòng thể hiện trên mọi khoảnh khắc của bộ phim - là yếu tố tiên quyết để đại công trình Bắc Hưng Hải hoàn thành trong 1 năm với liên tiếp kỉ lục về năng suất được phá, “Đế quốc mất cả năm cũng không làm được”. Là lòng yêu nước của đồng bào ta luôn cháy bỏng trong tim, là sự hi sinh không mệt mỏi của từng chiến sĩ, từng công nhân trên mặt trận Bắc Hưng Hải. Công trình này đi qua một phần làng Bát Tràng, và được sự hỗ trợ của nhà nước, đồng thời nhận ra tầm quan trọng của dự án thủy lợi Bắc Hưng Hải, người dân Bát Tràng sẵn sàng di dời một phần làng mình để phục vụ cho dự án. Chúng ta cũng thấy được sự quan tâm, sát sao của Đảng và chính quyền qua câu nói của Bác Hồ: “Làng Bát Tràng phải trở thành một làng kiểu mẫu trong một nước Việt Nam mới - nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Xã hội nước ta năm 1959 được thắt chặt kỉ cương, kỉ luật để cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mĩ, với câu khẩu hiệu: Toàn dân- Toàn diện- Mỗi người dân đều là một chiến sĩ. Đi cùng sự kỉ luật này là một tinh thần sắt thép, hi sinh quên mình bởi mỗi người dân đều nhận thức được khó khăn trước mắt là điều tất yếu để có một tương lai hạnh phúc. Đó là lí do chúng ta hiểu được rõ ràng câu nói của anh nuôi Ngô Liên: “Tôi thường xuyên gánh được 8 thùng nước nặng gần 140kg vì tôi đã vứt bỏ được 100kg thắc mắc cá nhân và gánh thêm 100kg nữa cho xã hội chủ nghĩa”. Bằng những thước phim quý giá của mình, đạo diễn Bùi Đình Hạc cùng toàn đoàn làm phim đã cho chúng ta sống dậy một tinh thần bất khuất, sẵn sàng hi sinh thân mình cho Tổ quốc, một niềm tin sắt đá vào Đảng, vào Chế độ và cùng hòa mình vào không khí thi đua khắp từ nhà máy tới nông thôn, từ miền núi tới cửa biển để hoàn thành đại công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Bên cạnh đó, như chúng ta đã biết, xã hội thời này đặt cao tính tập thể, năng lượng tập thể và một xã hội tập thể. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua câu nói: ‘Sức người có hạn, năng suất cứ tăng lên, lực lượng của tập thể như núi cao rừng thẳm, sức mạnh của tập thể như biển rộng mênh mông.” Không có chủ nghĩa cá nhân, mọi người đều hòa mình vào một mục đích, một lí tưởng chung tới quên mình, quên mệt mỏi hiểm nguy để cùng nhau xây dựng công trình này, điều mà chúng ta rất khó làm được ở thời kì hiện tại.

Bộ phim cũng là những tư liệu quý giá cho tình hữu nghị, ngoại giao của chúng ta với Trung Quốc, Triều Tiên qua những sự giúp đỡ của hai quốc gia này giành cho chúng ta, bên cạnh đó ta cũng lại thấy được những tư liệu về đời sống tinh thần của đồng bào, của chiến sĩ Việt Nam, đó là một đám cưới, là những buổi sinh hoạt nghệ thuật tập thể, là câu đùa duyên dáng về người phụ nữ Việt Nam: “Đố bạn làm cho các chị bán hàng này gắt được một câu đấy”. Đây tất thảy đều là những tư liệu lịch sử quý giá mà chúng ta phải cảm ơn đạo diễn cùng đoàn làm phim đã giữ những hình ảnh này sống mãi với thời gian.

Khép lại bộ phim, không chỉ dừng lại ở những tư liệu lịch sử quý giá được ghi lại, bộ phim còn đẩy cảm xúc của người xem lên tới cao trào, thắp lên trong ta một tình yêu non sông, lòng tự hào dân tộc mãnh liệt và đó là điều mà không phải bộ phim tài liệu nào cũng có thể làm được. Những tư liệu mà nước về Bắc Hưng Hải là minh chứng cho một thời kì hào hùng trong lịch sử dân tộc, cũng là lời nhắc nhở cho lớp lớp các thế hệ đi sau những nhận thức đúng đắn về các giá trị lịch sử, lòng tự tôn dân tộc, lòng tin đối với Đảng, nhà nước, chính quyền và xã hội chủ nghĩa - xã hội mà biết bao cha anh đã dùng máu của mình để bảo vệ, giữ gìn nền hòa bình cho nước nhà.

phân-tích-phim-nước-về-bắc-hưng-hảinuc

101 views

Comments


bottom of page